Tìm kiếm trong BLOG này

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Đề 12 - Thơ Việt Nam thế kỉ XX

TRƯỜNG THPT VÕ THỊ SÁU        ĐỀ 12 – STT: 23 – HỒ VIẾT PHƯƠNG NGỌC




ĐỀ THI THỬ KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA  LẦN 2 (Tháng 06/2016)
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 180 phút
______________

Đọc – Hiểu (3.0 điểm)
Câu 1. Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Ngày khai trường
          Cha mua cho con đủ thứ
          Nào sách bút, nào quần áo
          Lại cả đồ chơi nữa
 Nhưng cha ơi!
Cha quên sắm cho con đôi nạng mới
Vì đã  hai năm qua
Từ khi con bị bom
Chiếc nạng cũ chẳng chịu cùng con lớn lên, cha ạ!
(Thanh Tùng,  trích trong , 2008, tr.847 )
a.                 Bài thơ là lời của đứa con nói với cha. Hãy chỉ ra hiệu quả của hình thức nghệ thuật này.
b.                 Đặt nhan đề cho bài thơ.
c.                  Điều gì trong bài thơ tạo nên sự bất ngờ và gây được ấn tượng đối với người đọc?
d.                 Viết một đoạn (5 đến 7 dòng)  trình bày suy nghĩ về nỗi đau chiến tranh.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI ( PHẦN ĐỌC HIỂU )

I.                        Đọc hiểu văn bản (3 điểm)
Câu 1. 1.5 điểm
a. Bài thơ là lời của đứa con nói với cha. Hiệu quả của hình thức nghệ thuật đó: 0.5 điểm
Lời thơ là lời nói hàng ngày giản dị nhưng chứa đựng nhiều điều sâu sắc:  
+Phần thứ nhất liệt kê các đồ vật cha đã mua chuẩn bị cho con ngày khai giảng (dành cho học trò),
+ Phần thứ hai nói đến chiếc nạng mới cha quên mua (dành cho nạn nhân chiến tranh).
Đó là lời nhắc nhở người lớn không bao giờ được quên con trẻ cũng là nạn nhân của chiến tranh.
Cho điểm:
Nêu được ý khái quát: 0.25 (1 trong 2 ý đầu hoặc cuối)
Kèm theo 2 biểu hiện cụ thể gắn với văn bản: 0.25
b.    Đặt nhan đề cho bài thơ: 0.25 điểm
Đôi nạng / Trẻ em và nỗi đau chiến tranh/Nỗi đau chiến tranh – không từ một ai…
c.      Điều gì trong bài thơ tạo nên sự bất ngờ và gây được ấn tượng đối với người đọc? 0.25 điểm
Điều bất ngờ và gây ấn tượng mạnh với người đọc chính là ở chỗ để chuẩn bị cho ngày khai trường, người cha mua cho con nhiều thứ: sách bút, quần áo, đồ chơi. Những tưởng như vậy là đã đủ đối với một HS. Nhưng với người con trong bài thơ, đôi nạng vừa vặn, giúp con dễ dàng đến lớp mới là điều con mong chờ nhất.
d)  Viết một đoạn (5 đến 7 dòng)  trình bày suy nghĩ về nỗi đau chiến tranh. (0,5 điểm): Đảm bảo được cấu trúc đoạn:
·         Nêu vấn đề: Nỗi đau chiến tranh không từ một ai.
·         Triển khai ý kiến trình bày cảm nhận của bản thân về hậu quả của chiến tranh đối với mọi người (Người lớn, trẻ con, người già…)
·         Rút  ra ý nghĩa khái quát: thể hiện lòng yêu hòa bình, nhắn nhủ đừng quên nạn nhân của chiến tranh…  
Cho điểm: Tương tự câu 2d: Thiếu bố cục, thiếu số câu, thừa quá nhiều câu, chưa đủ về nội dung, không có dẫn chứng trừ 0.25 điểm.

BÀI LÀM

Câu a. Bài thơ là “lời của đứa con nói với cha”. Hiệu quả của hình thức nghệ thuật này là:
- Lời thơ là lời nói hằng ngày giản dị giữa con và cha nhưng chứa đựng nhiều điều sâu sắc, khiến ta phải suy nghĩ:
+ Người con liệt kê các đồ vật người cha đã mua, chuẩn bị cho mình nhân ngày khai giảng : sách, bút, đồ chơi…
+ Người con nhắc người cha đã quên mua “đôi nạng mới” cho mình.
===> Hiệu quả : Lời tâm sự của đứa con nhỏ nhẹ, dễ thương và ngây thơ, không hề ca thán, oán trách, giận hờn nhưng xót xa, day dứt và nhói buốt tâm can người lớn. Chúng ta không trách người cha là vô tâm mà chỉ căm phẫn chiến tranh đã để lại những chấn thương khó mà hàn gắn được. Đây cũng là lời nhắc nhở người lớn không bao giờ được quên con trẻ cũng là nạn nhân của chiến tranh.

Câu b. Nhan đề cho bài thơ:
-         Đôi nạng
-         Tội ác chiến tranh
-         Trẻ em và chiến tranh

Câu c. Điều tạo nên sự bất ngờ và gây được ấn tượng đối với người đọc trong bài thơ:
- Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã cho người đọc thấy niềm vui của người con với sự đầy đủ, chu đáo trong vòng tay người lớn khi được sắm sửa đồ dùng trong ngày khai giảng. Nhưng tình huống bất ngờ đã xuất hiện ở những dòng thơ tiếp theo khi người con lại là một em bé bị mất đôi chân do bom Mỹ thì ngoài “sách bút, áo quần, đồ chơi”… người con chỉ mong chờ nhất một đôi nạng mới,vừa vặn với mình để em có thể đến trường, hưởng niềm vui trọn vẹn.

Câu d. Suy nghĩ về nỗi đau chiến tranh:
        Chiến tranh đã đi qua thời đại ta nhưng đối với những người phải gánh chịu chiến tranh thì đó là một nỗi đau chưa bao giờ kết thúc. Nỗi đau chiến tranh không từ một ai : đau thương cho người ra đi, ám ảnh những người ở lại, môi trường sống bị ảnh huởng một cách nghiêm trọng là những gì mà chiến tranh để lại cho chúng ta. Người lớn, người già phải sống trong cảnh quá khứ kinh khủng, tàn bạo, luôn ám ảnh, việc mất đi người thân, con cái, gánh theo bệnh tật cũng không làm họ ngủ ngon dù chiến tranh đã qua. Những đứa trẻ vô tội, tật nguyền vì chất độc màu da cam thì vừa chào đời đã phải lìa đời hoặc nếu sống thì sức khoẻ, trí tuệ và cả hình hài đều không bình thường. Vì thế mỗi chúng ta cần phải có một tình yêu hoà bình, yêu thương người như yêu thương mình và phải luôn kính trọng, không được quên những nạn nhân của chiến tranh. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét